Trang chủ -> LỊCH SỬ VIÊT NAM -> Chương IV. Thời Bắc thuộc lần thứ 1 (207 TCN? - 39) - NHÀ TRIỆU (207 TCN - 111 TCN)
 01/10/2014 19:12



NHÀ TRIỆU (207 TCN - 111 TCN)


Nhà Triệu do Triệu Vũ Đế sáng lập với quốc hiệu là Nam Việt, tồn tại từ năm 207 TCN đến năm 111 TCN TCN.

Lập quốc

Năm 214 TCN, nhà Tần sai Đồ Thư (theo cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên, là nguồn sử duy nhất cho các nhà viết sử Trung Hoa và Việt Nam sau này, là Đồ Tuy) đem quân sang đánh vùng Dương Việt, đặt các quận Tượng (nam Hồ Nam), Quế Lâm (đông bắc Quảng Tây) và Nam Hải (Quảng Đông), cho Nhâm Ngao (theo cuốn Sử Ký, là Nhiệm Hiêu hay Nhậm Hiêu) làm Quận Uý và Triệu Đà làm Lệnh Úy huyện Long Xuyên(thuộc quận Nam Hải). Năm 210 TCN, Nhâm Ngao và Triệu Đà đánh nước Âu Lạc của An Dương Vương, bị thua trận phải rút về.

Sau khi Tần Thuỷ Hoàng mất, đế quốc Tần hỗn loạn, khởi nghĩa nổi lên khắp nơi. Nhâm Ngao sắp chết, khuyên Triệu Đà chiếm lấy vùng Bách Việt để tự lập làm vua. Năm 208 TCN (có thuyết khác cho rằng năm 179 TCN), Triệu Đà đánh thắng Âu Lạc, sáp nhập Âu Lạc vào quận Nam Hải. Năm 207 TCN, Triệu Đà lập ra nước Nam Việt, tự xưng làm vua nước Nam Việt (hay Nam Việt Vương). Sau khi nhà Tần sụp đổ (206 TCN) Triệu Đà tiếp tục tiến đánh và thu phục quận Quế Lâm vào lãnh thổ Nam Việt

Quan hệ với nhà Hán

Lưu Bang lên ngôi hoàng đế (tức là Hán Cao Tổ), cử Lục Giả đi sứ để phong vương cho Triệu Đà. Theo Trần Trọng Kim, mà không có trong Sử Ký của Tư Mã Thiên, ban đầu Triệu Đà không phục, Lục Giả bèn nói: "Vương là người nước hán, mồ mả và thân thích ở cả châu Chân Định. Nay nhà Hán đã làm vua thiên hạ, sai sứ sang phong vương cho ngài, nếu ngài kháng cự sứ thần, không làm lễ thụ phong, Hán đế tất là tức giận, hủy hoại mồ mả và giết hại thân thích, rồi đem quân ra đánh thì ngài làm thế nào?" Vũ vương nghe lời ấy vội vàng đứng dậy làm lễ tạ, rồi cười mà nói rằng: "Tiếc thay ta không được khởi nghiệp ở Trung Nguyên, chứ không thì ta cũng chẳng kém gì Hán đế!".

Khi Hán Cao Tổ mất, Triệu Đà xưng đế và phái binh mã đánh quận Trường Sa (tỉnh Hồ Nam ngày nay). Năm 181 TCN, quân Hán đánh Triệu Vũ Đế bị thua, thanh thế của ông càng lẫy lừng.

Hán Văn Đế lên ngôi, lại sai Lục Giả sang khuyên Triệu Đà thần phục nhà Hán. Triệu Đà nghe theo, bỏ đế hiệu và triều cống nhà Hán.

Suy tàn

Triệu Đà mất (137 TCN), truyền ngôi cho cháu đích tôn là Triệu Hồ. Triệu Hồ ở ngôi 12 năm (136-125), khi mất truyền ngôi cho con là Anh Tề. Anh Tề từng làm con tin ở nhà Hán, lấy người con gái họ Cù, sinh con tên Hưng, sau khi lên ngôi lập Cù thị làm hoàng hậu, Hưng làm thế tử.

Anh Tề cũng ở ngôi được 12 năm thì mất (113 TCN). Thế tử Hưng được lập làm vua, nhưng Cù thái hậu làm nhiếp chính. Cù thái hậu ngang nhiên tư thông với sứ giả nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý, vốn là người tình cũ khi ở đất Hán khi chưa lấy Anh Tề.

Tể tướng Lữ Gia (có tài liệu nói ông là người Việt) làm quan trải ba đời vua Triệu, được lòng dân hơn vua, muốn làm loạn. Thái hậu muốn mượn tay nhà Hán giết Lữ Gia. Lữ Gia về nhà dấy quân, giết vua và Cù thái hậu cùng bọn sứ giả nhà Hán, lập cháu của Triệu Đà là Kiến Đức làm vua, tức là Triệu Thuật Dương Vương (112 TCN).

Hán Vũ đế sai Hàn Thiên Thu mang quân đánh Nam Việt. Lữ Gia đón đánh giết được Hàn Thiên Thu. Hán Vũ đế liền sai Dương Bộc, Lộ Bác Đức đem đại quân sang đánh, Triệu Thuật Dương Vương Kiến Đức và Tể tướng Lữ Gia đều lần lượt bị bắt và bị hại (111 TCN). Thời kỳ bắc thuộc lần thứ 1 của Việt Nam bắt đầu.

Nhà Triệu và nước Nam Việt tính từ Triệu Đà đến Triệu Kiến Đức là 5 đời vua, tồn tại 97 năm (207 - 111 TCN).

Vấn đề chính thống

Nhà Triệu trong lịch sử Trung Hoa là một vua chư hầu trong đế quốc Trung Hoa, nhưng là một giai đoạn lịch sử gây tranh cãi. Người Trung Hoa không công nhận nhà Triệu và Triệu Đà thuộc nước họ vì ông là Nam Việt hiệu úy. Còn quan điểm ở Việt Nam thì có 2 luồng ý kiến: một luồng thì coi nhà Triệu là triều đại Việt Nam, luồng ý kiến kia thì coi Triệu Đà là giặc xâm lược, nhà Triệu là triều đại của người phương Bắc (Bắc thuộc).

-  Theo quan điểm đầu tiên, nhà Triệu là một triều đại chính thống của Việt Nam được thể hiện qua các sử gia từ Lê Văn Hưu (thế kỷ 13) đến Trần Trọng Kim (thế kỷ 20), coi đó là thời kỳ độc lập của Việt Nam, bởi vì họ Triệu cai trị Nam Việt độc lập với nhà Hán cho tới tận năm 111 TCN, khi các đội quân nhà Hán xâm lược đất nước này và sáp nhập nó vào đế chế Hán thành bộ Giao Chỉ. Lê Văn Hưu đã ghi trong bộ Đại Việt sử ký:

Triệu Vũ Đế khai thác đất Việt ta mà tự làm đế trong nước, đối ngang với nhà Hán, gửi thư xưng là "lão phu", mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước Việt ta, công ấy có thể nói là to lắm vậy. Người làm vua nước Việt sau này nếu biết bắt chước Vũ Đế mà giữ vững bờ cõi, thiết lập việc quân quốc, giao thiệp với láng giềng phải đạo, giữ ngôi bằng nhân, thì gìn giữ bờ cõi được lâu dài, người phương Bắc không thể lại ngấp nghé được.

Có một số tác giả phương Tây cũng công nhận điều này và cho rằng chỉ tới khi quân Hán sang tấn công Nam Việt, thời Bắc thuộc của Việt Nam mới bắt đầu.

-  Quan điểm phủ nhận nhà Triệu được xuất hiện từ thế kỷ 18 khi sử gia Ngô Thì Sĩ phủ nhận nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam. Trong Việt sử tiêu án, ông khẳng định nước Nam Việt là ngoại bang, bởi Triệu Đà là người Hán, tức là kẻ ngoại tộc:

An Dương Vương mất nước, để quốc thống về họ Triệu, chép to 4 chữ: "Kỷ Triệu Vũ Đế". Người đời theo sau đó không biết là việc không phải. Than ôi! Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi phát ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta. Nếu coi là đã làm vua nước Việt, mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Hưu Nghiễm khởi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư? Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương. Không thế, thì xin theo lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy.

Nhân vật lịch sử

1. Triệu Đà
  
 (Click vào đây để xem tiểu sử)

2. Triệu Hồ (Triệu Văn Vương)
   (Click vào đây để xem tiểu sử)

3. Triệu Anh Tề (Triệu Minh Vương)
   (Click vào đây để xem tiểu sử)

4. Triệu Hưng (Triệu Ai Vương)  
    (Click vào đây để xem tiểu sử)

5. Triệu Kiến Đức (Triệu Dương Vương)
   
 (Click vào đây để xem tiểu sử)

6. Cù Hậu
    (Click vào đây để xem tiểu sử)

7. Lữ Gia
   (Click vào đây để xem tiểu sử)

                                                                                                                                                [quay lại]


Tổng số thành viên: 19602
Thành viên mới nhất: Vũ ngọc khánh
Đang trực tuyến: 10
Lượt truy cập: 4326733