Trang chủ -> Danh nhân Thế giới -> NAPOLÉON BONAPARTE (15/8/1769 – 5/5/1821)
 04/05/2015 09:30


NAPOLÉON BONAPARTE (15/8/1769 – 5/5/1821) 

Napoléon dans son cabinet de travail,
họa phẩm của Jacques-Louis David, 1812


Napoléon Bonaparte (tiếng Pháp: Napoléon Bonaparte, tiếng Ý: Napoleone Buonaparte; 15 tháng 8 năm 1769 – 5 tháng 5 năm 1821) là một nhà quân sự và nhà chính trị kiệt xuất người Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh liên quan ở châu Âu.

Với đế hiệu Napoléon I, ông là Hoàng đế của người Pháp từ năm 1804 đến năm 1815. Cuộc cải cách pháp luật của ông, Bộ luật Napoléon, đã có những ảnh hưởng lớn lên nhiều bộ luật dân sự trên toàn thế giới, nhưng ông được nhớ đến nhất bởi vai trò của mình trong các cuộc chiến tranh mà Pháp phải đương đầu với hàng loạt liên minh, được gọi là các cuộc chiến tranh Napoléon. Ông đã thiết lập quyền bá chủ trên phần lớn lục địa châu Âu và tìm cách truyền bá những lý tưởng của cách mạng Pháp, đồng thời củng cố nền đế chế làm phục hồi những nét của chế độ cũ Pháp (Ancien Régime). Nhờ thắng lợi trong những cuộc chiến này, thường là chống lại đối phương có ưu thế về quân số, ông được coi là một trong những nhà quân sự vĩ đại nhất mọi thời đại, và các chiến dịch của Napoléon được nghiên cứu tại các học viện quân sự trên khắp thế giới.

Napoléon được sinh ra ở Ajaccio thuộc Corse, trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc Genoa (Ý). Ông được đào tạo thành một sỹ quan pháo binh ở Pháp. Bonaparte trở nên nổi tiếng dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Pháp khi chỉ huy thành công nhiều chiến dịch chống lại Liên minh thứ nhất và các thứ hai chống Pháp. Ông cũng tiến hành cuộc chinh phạt bán đảo Ý.

Năm 1799, ông đã tổ chức một cuộc đảo chính và tự đưa mình trở thành vị Tổng tài thứ nhất; năm năm sau đó Thượng viện Pháp tuyên xưng ông là Hoàng đế Pháp. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 19, Đệ nhất Đế chế Pháp dưới quyền Napoléon đã tham gia vào một loạt xung đột - những cuộc chiến tranh Napoléon - lôi kéo mọi cường quốc chính ở châu Âu tham gia. Sau một loạt thắng lợi, Pháp đạt được vị trí thống trị ở lục địa châu Âu, và Napoléon duy trì phạm vi ảnh hưởng của Pháp thông qua việc thành lập của những mối đồng minh rộng lớn và bổ nhiệm bạn bè và người thân cai trị các quốc gia châu Âu khác như những chư hầu của Pháp.

Cuộc chiến kéo dài ở bán đảo Iberia và cuộc xâm lược nước Nga năm 1812 đánh dấu bước ngoặt trong cơ đồ của Napoléon. Quân đội chủ lực của Pháp, Grande Armée, bị tổn thất nặng nề trong chiến dịch và không bao giờ có thể khôi phục lại hoàn toàn. Năm 1813, Liên minh thứ sáu đã đánh bại quân đội của ông tại Leipzig, năm sau đó Liên minh xâm lược Pháp, buộc Napoléon phải thoái vị và đày ông đến đảo Elba. Chưa đầy một năm sau, ông thoát khỏi Elba và trở lại nắm quyền, nhưng đã bị đánh bại trong trận Waterloo vào tháng 6 năm 1815. Napoléon trải qua sáu năm cuối cùng của cuộc đời trong sự giam cầm của người Anh trên đảo Saint Helena. Cái chết của ông gây ra nhiều tranh cãi về sau, chẳng hạn một số học giả cho rằng ông là nạn nhân của một vụ đầu độc bằng arsen.

Dòng dõi và việc học tập

Napoléon Bonaparte là đứa con thứ hai trong một gia đình có tám người con, ra đời tại dinh thự Casa Buonaparte ở thị trấn Ajaccio, đảo Corse vào ngày 15 Tháng Tám năm 1769, một năm sau khi hòn đảo này được Cộng hòa Genoa chuyển giao cho Pháp. Ông được đặt tên thánh là Napoleone di Buonaparte, theo tên một người chú (trước đó ông bà Bonaparte đã có một con trai đặt tên Napoleone nhưng đã mất sớm). Vào tuổi hai mươi, ông lấy tên là Napoléon Bonaparte cho có vẻ Pháp hơn.

Dòng họ Bonaparte ở Corse bắt nguồn từ giới quý tộc nhỏ Ý ở Lombardia, những người đã đến Corse từ Liguria từ thế kỷ 16. Cha của ông là Nobile Carlo Buonaparte, một luật sư, từng được chỉ định làm đại diện của đảo Corse đối với triều đình vua Louis XVI. Người có ảnh hưởng quyết định trong thời thơ ấu của Napoléon là mẹ ông, Letizia Ramolino, kỉ luật nghiêm khắc của bà đã kiềm chế đứa bé ngỗ nghịch.

Lãnh tụ dân tộc chủ nghĩa đảo Corse Pasquale Paoli, chân dung năm 1798 bởi Richard Cosway

Ông có một anh trai Joseph và sáu người em là Lucien, Elisa, Louis, Pauline, Caroline và Jérôme. Có hai đứa trẻ khác, một trai một gái được sinh trước Joseph nhưng chết yểu. Napoléon được rửa tội như một người Công giáo ngay trước sinh nhật hai tuổi của mình, vào ngày 21 tháng Bảy năm 1771 tại nhà thờ Ajaccio.

 

Nền tảng quý tộc và tương đối khá giả cùng các mối quan hệ của gia đình giúp Napoléon có cơ hội học tập lớn hơn nhiều so với một người Corse thông thường thời đó. Tháng Một năm 1779, Napoléon đã ghi danh vào một trường tôn giáo ở Autun trên đất liền để học tiếng Pháp. Đến tháng Năm, ông được nhận vào một học viện quân sự tại Brienne-le-Château. Ông nói giọng Corse và không thể đánh vần đúng cách, điều khiến ông bị bạn bè trêu chọc và do đó chuyên tâm vào việc đọc. Nhưng một viên giám thị quan sát thấy Napoléon " luôn luôn nổi trội trong sự chăm chú đối với toán học. Anh tương đối thuần thục với lịch sử và địa lý... Chàng trai này sẽ làm nên một thủy thủ xuất sắc". Khi hoàn thành việc học ở Brienne năm 1784, Napoléon được nhận vào trường quân sự danh tiếng École Militaire ở Paris. Điều này đã kết thúc tham vọng hải quân từng khiến ông cân nhắc một đơn xin vào Hải quân Hoàng gia Anh. Ông được đào tạo để trở thành một sĩ quan pháo binh và, khi cái chết của người cha làm giảm thu nhập, đã buộc phải hoàn thành khóa học hai năm trong một năm. Ông là người Corse đầu tiên tốt nghiệp từ École Militaire. Ông được sát hạch bởi nhà khoa học nổi tiếng Pierre-Simon Laplace, người sau này Napoléon bổ nhiệm vào Thượng viện.

Khởi đầu sự nghiệp

Napoleon Bonaparte ở tuổi 23, trung tá của một tiểu đoàn quan tình nguyện Corse.

Khi tốt nghiệp tháng Chín 1785, Bonaparte được phong hàm thiếu úy ở trung đoàn pháo binh La Fère. Ông từng đóng ở Valence, Drôme và Auxonne cho đến trước khi bùng nổ Cách mạng năm 1789, và nghỉ phép gần hai năm ở Corse và Paris trong giai đoạn này. Là một người theo chủ nghĩa dân tộc nhiệt thành, ông viết cho lãnh đạo Corse Pasquale Paoli vào tháng 5 1789:

"Tôi đã được sinh ra khi dân tộc suy vong. Ba mươi nghìn người Pháp được tung tới bờ biển của chúng ta, nó nhấn chìm ngôi báu của tự do vào những làn sóng máu. Chính cảnh tượng đó là thứ ghê tởm đầu tiên đập vào mắt tôi".

Ông trải qua những năm đầu Cách mạng ở Corse, chiến đấu trong một cuộc xung đột phức tạp ba bên giữa những người bảo hoàng, những người cách mạng, và những người dân tộc chủ nghĩa Corse. Ông ủng hộ phái cách mạng Jacobin, nhận hàm trung tá trong đoàn dân quân Corse, và chỉ huy một tiểu đoàn quân tình nguyện. Mặc dù quá thời gian nghỉ phép vắng mặt và lãnh đạo một cuộc bạo động chống lại quân đội Pháp ở Corse, ông vẫn được thăng hàm đại úy trong quân đội chính quy Pháp tháng Bảy 1792.

Ông trở lại quê hương và bắt đầu mẫu thuẫn với Paoli, người quyết định chia tách Corse khỏi Pháp và phá hoại một cuộc tấn công của Pháp trên đảo Sardegna, nơi Bonaparte là một trong các viên chỉ huy chính. Bonaparte và gia đình phải bỏ trốn vào đất liền Pháp vào tháng Sáu 1793 bởi sự cắt đứt quan hệ với Paoli.

Cuộc vây hãm Toulon

Tháng Sáu 1793, Napoléon đã xuất bản một cuốn sách nhỏ có khuynh hướng thân cộng hòa, Le Souper de Beaucaire (Bữa tối ở Beaucaire), thứ đem lại cho ông sự khâm phục và ủng hộ của Augustin Robespierre, em trai nhà lãnh đạo cách mạng Maximilien Robespierre. Với sự giúp đỡ của một đồng đội người Corse là Antoine Christophe Saliceti, Bonaparte được bổ nhiệm làm chỉ huy pháo binh của quân đội cộng hòa trong cuộc vây hãm Toulon. Thành phố này nổi dậy chống chính phủ cộng hòa và được quân Anh đóng giữ.

Ông tiến hành một kế hoạch chiếm một quả đồi nơi các khẩu pháo của quân cộng hòa có thể bao quát cảng thành phố và buộc các chiến thuyền Anh phải rút lui. Cuộc đột kích lên vị trí trên, trong đó Bonaparte bị thương ở đùi, đã dẫn tới việc chiếm được thành phố sau đó, nhờ vậy ông được thăng hàm Chuẩn tướng ở tuổi 24. Ủy ban An ninh Công cộng (chính phủ de facto của Pháp đương thời) chú ý đến Napoléon, ông được cử đảm trách pháo binh của Tập đoàn quân Ý của Pháp.

Trong lúc chờ sự xác nhận bổ nhiệm, Napoléon dành thời gian để khảo sát các công sự duyên hải trên bờ biển Địa Trung Hải gần Marseille. Ông thảo ra kế hoạch tấn công Vương quốc Sardegna như một phần của chiến dịch chống lại Liên minh thứ nhất. Tư lệnh Tập đoàn quân Ý, Pierre Jadart Dumerbion, đã chứng kiến quá nhiều viên tướng bị xử tử do không đủ hay do có quan điểm chính trị sai lầm. Do đó, ông chiều theo ý các ủy viên đặc trách của Quốc Ước (représentant en mission) là Augustin Robespierre và Saliceti, những người đến lượt họ sẵn lòng lắng nghe viên tướng pháo binh mới được thăng chức.

Thực hiện kế hoạch của Bonaparte trong trận Saorgio tháng Tư 1794, quân đội Pháp tiến lên phía đông bắc tới vùng Riviera thuộc Ý sau đó ngoặt sang phía bắc để chiếm đóng Ormea trong vùng núi. Từ Ormea, họ đột phá phía tây để thọc sườn các vị trí Áo-Sardegna xung quanh Saorge. Kết quả là, các thành thị duyên hải Oneglia và Loano, cũng như con đèo Tenda chiến lược, bị chiếm bởi quân Pháp. Sau đó, Augustin Robespierre gửi Bonaparte tới một nhiệm vụ ở Cộng hòa Genoa để xác định các toan tính của quốc gia này đối với nước Pháp.

Ngày 13 tháng Hái Nho

Theo sau sự sụp đổ của chính quyền Jacobin vào tháng Bảy 1794 Chính biến Thermidor, một báo cáo vạch tội khiến Bonaparte bị quản chế tại gia ở Nice vì mối liên hệ với anh em Robespierre. Thư kí của Napoleon, Bourrienne, phản kháng cáo buộc này trong hồi kí của ông. Theo Bourrienne, sự đố kị giữa Tập đoàn quân Alps và Tập đoàn quân Ý (mà Napoléon đứng vị trí thứ hai lúc đó) chịu trách nhiệm về cáo buộc này. Sau một lời biện hộ sôi nổi trong một lá thư mà Bonaparte gửi gấp tới các đặc phái viên Salicetti và Albitte, ông được tha bổng mọi tội.

Ông được thả trong vòng hai tuần, và do năng lực của mình, được yêu cầu thảo kế hoạch tấn công các vị trí Ý trong bối cảnh cuộc chiến Pháp-Áo. Ông cũng tham gia vào một cuộc viễn chinh nhằm chiếm lại Corse từ tay người Anh, nhưng quân Pháp đã bị đẩy lùi bởi Hải quân Hoàng gia.

Tháng Bốn 1795, Bonaparte đính hôn với Désirée Clary, em gái của Julie Clary, người đã cưới anh trai của Bonaparte là Joseph; nhà Clary là một gia đình thương nhân giàu có đến từ Marseilles. Cùng thời gian này, ông được chỉ định tới Tập đoàn quân phía Tây, lúc này đang tham gia Chiến tranh Vendée — một cuộc nội chiến kéo dài do phe bảo hoàng chống cách mạng gây ra ở vùng Vendée phía tây miền trung nước Pháp. Làm một tư lệnh bộ binh, đó là một sự giáng cấp từ tướng pháo binh - mà quân đội đã có đủ hạn ngạch — và ông viện cớ sức khỏe yếu để từ chối nhậm chức.

Ông được chuyển tới Văn phòng Trắc địa của Ủy ban An ninh Công cộng và tìm kiếm cơ hội được gửi tới Constantinople để phục vụ cho Sultan nhưng không thành. Trong thời kì này, ông viết một tiểu thuyết lãng mạn ngắn mang tựa đề Clisson et Eugénie kể về một người lính và tình nhân của anh ta, một so sánh rõ ràng mối quan hệ của chính Bonaparte với Désirée. Ngày 15 tháng Chín, Bonaparte bị loại khỏi danh sách các tướng của quân đội chính quy do việc từ chối nhận nhiệm vụ ở chiến dịch Vendée. Ông đối diện với một tình trạng tài chính khó khăn và thu hẹp những tham vọng về tiền đồ của mình.

Mùng 3 tháng Mười, những người bảo hoàng ở Paris tuyên bố một cuộc nổi loạn chống lại Quốc Ước sau khi họ bị loại khỏi chính phủ mới, nội các Đốc chính. Paul Barras, một lãnh đạo của Chính biến Thermidor, biết đến thành tích quân sự của Bonaparte ở Toulon và trao cho ông quyền chỉ huy các lực lượng ứng biến phòng thủ trụ sở Quốc Ước ở Cung điện Tuileries. Chứng kiến vụ thảm sát đội Cận vệ Thụy Sĩ của nhà vua ba năm trước đó, ông nhận ra pháo binh có thể là chìa khóa để kháng cự.

Ông lệnh cho một sĩ quan kị binh trẻ, Joachim Murat, chiếm các khẩu đại bác lớn và dùng chúng để đẩy lui các đợt tấn công vào mùng 5 tháng Mười 1795—13 tháng Vendémiaire (Hái Nho) năm IV theo Lịch Cách mạng Pháp. Sau khi 1400 người bảo hoàng chết, số còn lại rút lui.

Sự thất bại của cuộc nổi dậy phe bảo hoàng đã dập tắt mối đe dọa với Quốc Ước và giúp Bonaparte đột nhiên gặt hái được danh vọng, tiền tài cùng với sự bảo trợ của nội các mới. Murat cưới một trong số các em gái và trở thành em rể cũng như tiếp tục phục vụ Napoléon như một vị tướng. Bonaparte được thăng hàm thiếu tướng, đảm nhiệm chức Tư lệnh Nội địa (Commandand de l’armée de l’Intérieur) và sau đó Tập đoàn quân Ý được trao cho ông.

Trong vòng vài tuần ông đã gắn bó với nhân tình cũ của Barras, Joséphine de Beauharnais. Họ cưới nhau vào mùng 9 tháng Ba 1796 sau khi ông hủy đính ước với Désirée Clary.

Chiến dịch Ý thứ nhất (1796–97)

Hai ngày sau hôn lễ, Bonaparte rời Paris để nắm quyền chỉ huy Tập đoàn quân Ý và dẫn dắt một cuộc chinh phạt thắng lợi nước Ý. Ở trận Lodi ông đã đánh bại quân đội Áo và đẩy họ ra khỏi Lombardia. Ông thất bại trong trận Caldiero bởi sự tăng viện của Áo, chỉ huy bởi József Alvinczi, tuy nhiên Bonaparte lấy lại thế chủ động trong trận đánh có tính quyết định ở Arcole tiến tới chinh phục địa phận của Giáo hoàng.

Bonaparte đã bác bỏ mong muốn của những người vô thần ở Hội đồng Đốc chính là hành quân vào Rome và phế truất Giáo hoàng vì ông cho rằng điều này sẽ tạo ra một khoảng trống quyền lực sẽ bị Vương quốc Napoli lợi dụng. Thay vào đó, tháng Ba 1797, Bonaparte chỉ huy quân đội tiến vào Áo và buộc nước này thương lượng một hòa ước. Hiệp ước Leoben đã cho Pháp quyền cai quản hầu hết Bắc Ý và các miền đất phía dưới châu thổ sông Rhine (Pays-Bas, gồm Bỉ, Hà Lan và một phần lãnh thổ Đức, Pháp hiện nay), trong khi một điều khoản bí mật hứa hẹn Cộng hòa Venezia cho Áo. Bonaparte hành quân tới Venice và buộc nó đầu hàng, kết thúc 1100 năm nền độc lập của thành phố thương mại này; ông cũng lấy cớ cho quân Pháp cướp bóc những báu vật như những bức tượng ngựa bằng đồng ở Giáo đường Saint Mark.

Áp dụng những ý tưởng quân sự thông thường vào các tình huống thực tế đã làm nên những vinh quang quân sự của ông, chẳng hạn như việc sử dụng sáng tạo pháo binh như một lực lượng linh hoạt để hỗ trợ cho bộ binh. Ông nói về chiến thuật của mình như sau: "Tôi đã đánh sáu mươi trận và tôi không học được điều gì mà tôi chưa biết vào lúc bắt đầu. Nhìn Caesar xem; ông ta đánh trận đầu giống như trận cuối".

Ông tinh thông trong việc sử dụng gián điệp và mưu trá và có thể thắng trận chiến bằng cách che đậy việc triển khai quân và tập trung quân vào điểm mấu chốt của mặt trận bị suy yếu của đối phương. Nếu ông không thể sử dụng chiến lược bao vây ưa thích của mình (Mouvement en tenaille, chuyển quân sang hai cánh và hợp vây kẻ địch), ông sẽ nắm lấy vị trí trung tâm và tấn công hai lực lượng phối hợp ở điểm mấu chốt của họ, tung quân đánh một cánh cho đến khi nó rút lui, sau đó quay lại đương đầu với cánh kia. Trong chiến dịch Ý này, quân đội của Bonaparte bắt được 150 000 tù binh, 540 khẩu đại bác và 170 cờ hiệu. Quân đội Pháp đã đánh 67 trận và thắng 19 trận chính quy (pitched battles, trong đó hai bên chọn một địa điểm dàn quân trước khi đánh) nhờ kĩ thuật pháo binh áp đảo và các chiến thuật của Bonaparte.

Trong khi chiến dịch diễn ra, Bonaparte trở nên ngày càng có ảnh hưởng trong chính trị Pháp; ông thành lập hai tờ báo: một cho quân đội của ông và một phát hành ở Pháp. Những người bảo hoàng đả kích Bonaparte vì cướp phá Ý và cảnh báo rằng ông có thể trở thành một kẻ độc tài. Bonaparte gửi tướng Pierre Augereau tới Paris để lãnh đạo một cuộc đảo chính và thanh lọc những người bảo hoàng vào mùng 4 tháng Chín — sau được gọi là Đảo chính ngày 18 Fructidor. Điều này đem Barras và các đồng minh phe Cộng hòa trở lại nắm quyền nhưng phụ thuộc vào Bonaparte, người bấy giờ đang tiến hành đàm phán hòa ước mới với Áo. Những thương lượng này dẫn tới Hiệp ước Campo Formio, và Bonaparte trở lại Paris tháng Mười hai như một anh hùng. Ông gặp Talleyrand, Bộ trưởng Ngoại giao mới của Pháp - người về sau phục vụ ở cùng cương vị cho đế chế của Napoléon — và họ bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc xâm lược nước Anh.

Viễn chinh tới Ai Cập (1798-1801)

Sau hai tháng lên kế hoạch, Bonaparte quyết định rằng lực lượng hải quân pháp chưa đủ mạnh để đối diện với Hải quân Hoàng gia ở Eo biển Anh và đề xuất một cuộc viễn chinh để chiếm Ai Cập và do đó phá sự tiếp cận của người Anh với những nguồn lợi thương mại ở Ấn Độ. Bonaparte mong mỏi thiết lập một sự hiển hiện của Pháp ở Trung Đông, với giấc mộng tối hậu về việc liên kết với một kẻ thù Hồi giáo của Anh ở Ấn Độ, Tippu Sultan.

Napoleon đảm bảo với Hội đồng Đốc chính rằng "ngay khi ông chinh phục được Ai Cập, ông sẽ thành lập những mối quan hệ với các hoàng thân Ấn Độ, và cùng với họ, tấn công người Anh tại các thuộc địa của họ". Theo một bản tường trình tháng Hai 1798 bởi Talleyrand: "Khi đã chiếm giữ và củng cố Ai Cập, chúng ta sẽ gửi một lực lượng 15000 người từ Suez tới Ấn Độ, kết hợp với Tipu-Sahib và đánh đuổi người Anh". Hội đồng đồng ý với kế hoạch để bảo đảm tuyến giao thương tới Ấn Độ.

Bức Bonaparte trước Nhân sư (tranh vẽ khoảng. 1868) của Jean-Léon Gérôme, Lâu đài Hearst

Tháng Năm 1798, Bonaparte được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Pháp. Chuyến viễn chinh Ai Cập của ông có sự tham gia của 167 nhà khoa học bao gồm các nhà toán học, tự nhiên học, hóa học và trắc địa; trong những khám phá của họ có Phiến đá Rosetta, và công trình của họ được xuất bản thành cuốn Description de l’Égypte năm 1809.

Trên đường tới Ai Cập, Bonaparte tới Malta vào ngày 9 tháng Sáu 1798, khi đó dưới quyền kiểm soát của dòng Hiệp sĩ Cứu tế. Hai trăm hiệp sĩ gốc Pháp không ủng hộ vị Đại trưởng lão, Ferdinand von Hompesch zu Bolheim, và bày tỏ rằng họ sẽ không chiến đấu chống lại đồng bào. Hompesch đầu hàng sau một sự kháng cự yếu ớt, và Bonaparte chiếm được một căn cứ hải quân quan trọng với tổn thất chỉ ba binh sĩ.

Tướng Bonaparte cùng đoàn quân của ông đã phải né tránh cuộc truy đuổi của Hải quân Hoàng gia và cập cảng ngày 1 tháng Bảy ở Alexandria. Ông đánh trận Shubra Khit chống lại Mamluk, giới quân sự thống trị Ai Cập bấy giờ. Điều này giúp những người Pháp thực hành chiến thuật phòng thủ cho trận Kim Tự Tháp diễn ra ngày 21 tháng Bảy, cách các kim tự tháp 24 km. Lực lượng của Bonaparte vào khoảng 25000, xấp xỉ bằng quân số kỵ binh Mamluk, nhưng ông đã lập những khối quân hình vuông rỗng với quân nhu được giữ an toàn bên trong. Kết quả, chỉ có 29 người Pháp chết, so với xấp xỉ 2000 người Ai Cập. Chiến thắng này đã củng cố tinh thần cho quân đội Pháp.

Ngày 1 tháng Tám, hạm đội Anh dưới quyền Horatio Nelson đã bắt hoặc tiêu diệt hầu như tất cả chỉ trừ hai chiếc tàu Pháp trong trận sông Nile, và mục tiêu của Bonaparte về một vị thế tăng cường của người Pháp ở Địa Trung Hải tan vỡ. Quân đội của ông thành công trong sự gia tăng ngắn hạn quyền lực của Pháp ở Ai Cập, tuy nhiên sau đó đối mặt với những cuộc nổi dậy liên tiếp. Đầu năm 1799, ông chuyển quân tới tỉnh Damascus thuộc đế quốc Ottoman (Syria và Galilea). Bonaparte chỉ huy 13000 lính Pháp trong cuộc chinh phục các thành thị duyên hải Arish, Gaza, Jaffa, và Haifa. Cuộc tấn công vào Jaffa đặc biệt đẫm máu: Bonaparte, khi khám phá ra phần nhiều trong những người bảo vệ thành phố là cựu tù nhân chiến tranh từng hứa danh dự không trả thù để được tha, đã ra lệnh cho quân phòng thủ cùng 1,400 khác bị xử tử bằng lưỡi lê hoặc dìm chết đuối để tiết kiệm đạn. Đàn ông, đàn bà và trẻ con bị cướp và giết trong ba ngày.

Với đội quân bị suy yếu bởi bệnh dịch — chủ yếu là dịch hạch — và nguồn quân nhu nghèo nàn, Bonaparte không thể hạ các pháo đài ở Acre và trở lại Ai Cập vào tháng Năm. Để tăng tốc cuộc hành quân, ông ra lệnh bỏ lại những người lính ốm yếu vì dịch hạch và bắt họ uống thuốc độc. (Tuy nhiên, những người Anh sau này chứng kiến đã ghi chép lại rằng hầu hết những người này sống sót và không bị đầu độc). Những người ủng hộ ông lập luận rằng điều này là cần thiết để đối phó với các trận tập hậu của quân Ottoman, và thực tế những người bỏ lại còn sống thường bị tra tấn và chặt đầu bởi kẻ địch. Trở lại Ai Cập, vào ngày 25 tháng Bảy, Bonaparte đánh bại cuộc tấn công đổ bộ của Ottoman trong trận Abukir.

[xem tiếp]                                                                                                                                  


Tổng số thành viên: 19605
Thành viên mới nhất: Michell Nguyen
Đang trực tuyến: 10
Lượt truy cập: 4365610