Trang chủ -> Danh nhân Thế giới -> YASSER ARAFAT (24/8/1929 – 11/11/2004)
 05/05/2015 08:53


YASSER ARAFAT (24/8/1929 – 11/11/2004)

Mohammed Abdel Rahman Abdel Raouf Arafat al-Qudwa al-Husseini (tiếng Ả Rập: محمد عبد الرؤوف عرفات القدوة الحسيني, 24 tháng 8 năm 1929 – 11 tháng 11 năm 2004), thường được gọi là Yasser Arafat (ياسر عرفات) hay theo kunya của ông Abu Ammar (أبو عمار), là một lãnh đạo Palestine và người được trao Giải Nobel. Ông là Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Tổng thống Chính quyền Quốc gia Palestine (PNA), và lãnh đạo của đảng chính trị Fatah, do ông thành lập năm 1959. Arafat đã dành phần lớn cuộc đời mình đấu tranh chống lại Israel dưới danh nghĩa đòi quyền tự quyết cho người dân Palestine. Ban đầu ông phản đối sự tồn tại của Israel, nhưng ông đã thay đổi quan điểm của mình năm 1988 khi ông chấp nhận Nghị quyết số 242 của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Arafat và phong trào của ông hoạt động tại nhiều quốc gia Ả Rập. Hồi cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, Fatah đã đối đầu với Jordan trong một cuộc nội chiến ngắn. Bị buộc phải rời Jordan và vào Liban, Arafat và Fatah là những mục tiêu chính của những cuộc xâm lược năm 1978 và 1982 của Israel vào nước này. Ông "được nhiều người Ả Rập và đa số người Palestine sùng kính," không cần biết tới ý thức hệ chính trị hay phe phái, coi ông là một chiến binh vì tự do người là biểu tượng cho những khát vọng quốc gia của họ. Tuy nhiên, ông bị "nhiều người Israel sỉ vả" và bị miêu tả "ở hầu hết thế giới phương Tây là tên khủng bố số một" vì những vụ tấn công mà phái của ông đã tiến hành chống lại thường dân.

Hồi cuối sự nghiệp, Arafat đã tham gia vào một loạt các cuộc đàm phán với chính phủ Israel nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài nhiều thập kỳ giữa nước này và PLO. Các cuộc đàm phán bao gồm Hội nghị Madrid năm 1991, Hiệp định Oslo năm 1993 và Hội nghị Thượng đỉnh Trại David năm 2000. Các đối thủ chính trị của ông, gồm cả những người Hồi giáo và nhiều nhân vật cánh tả trong PLO, thường lên án ông là tham nhũng hay quá dễ bảo với những nhượng bộ của ông trước chính phủ Israel. Năm 1994, Arafat được nhận Giải Nobel Hoà bình, cùng với Yitzhak Rabin và Shimon Peres, vì những cuộc đàm phán tại Oslo. Trong thời gian này, Hamas và các tổ chức du kích khác nổi lên nắm quyền lực và làm lay chuyển những nền móng của chính quyền mà Fatah dưới sự lãnh đạo của Arafat đã thành lập tại các lãnh thổ Palestine.

Cuối năm 2004, sau khi hoàn toàn bị quân đội Israel giam cầm trong khu nhà của mình tại Ramallah trong hơn hai năm, Arafat bị ốm, rơi vào hôn mê và mất ngày 11 tháng 11 năm 2004 ở tuổi 75. Tuy lý do chính xác cho cái chết của ông vẫn chưa được biết và không một cuộc khám nghiệm nào được tiến hành, các bác sĩ của ông nói là do xuất huyết nghẽn mạch tế bào tự phát và bệnh gan mãn tính.

Tuổi trẻ

Ra đời và tuổi trẻ

Yasser Arafat sinh tại Cairo và có cha mẹ là người Palestine. Cha ông, Abdel Raouf al-Qudwa al-Husseini, là một người Palestine từ Gaza; mẹ ông, bà nội của Yasser, là một người Ai Cập. Cha của Arafat làm việc như một thương nhân ngành dệt tại quận Sakakini đa tôn giáo ở Cairo. Arafat là con áp út trong số bảy anh em và, cùng với người em út Fathi, là hai người duy nhất sinh ra ở nước ngoài tại Cairo. Mẹ ông, Zahwa Abul Saud, thuộc một gia đình ở Jerusalem. Bà mất vì bệnh thận năm 1933, khi Arafat lên bốn.

Chuyến thăm đầu tiên của Arafat tới Jerusalem là cùng với cha ông, vì không thể một mình nuôi dạy bảy đứa con, đã gửi ông và em trai là Fathi tới gia đình bà mẹ tại Quận Moroccan thuộc Thành Cổ. Họ sống ở đó với người chú là Salim Abul Saud trong bốn năm. Năm 1937, người cha đựa họ trở về để chăm sóc người chị lớn, Inam. Arafat có mối quan hệ ngày càng xấu đi với cha; khi ông mất năm 1952, Arafat không tham gia lễ tang, cũng không tới thăm mộ cha khi ông quay về Gaza.

Giáo dục và cuộc Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948

Năm 1944, Arafat đăng ký vào Đại học Vua Fuad I và tốt nghiệp năm 1950. Sau này ông tuyên bố mình đã tìm cách có được hiểu biết tốt hơn về Đạo Do Thái và Chủ nghĩa phục quốc Zion bằng cách tham gia thảo luận với những người Do Thái và đọc các tác phẩm của Theodor Herzl cùng nhiều nhân vật Zionist nổi tiếng khác. Cùng lúc ấy, ông trở thành một người theo chủ nghĩa quốc gia Ả Rập và bắt đầu tìm kiếm vũ khí được buôn lậu vào Palestine Uỷ trị Anh cũ, để sử dụng trong các lực lượng phi chính quy tại Hội đồng Cao cấp Ả Rập và các chiến binh Quân đội Thánh chiến.

Trong cuộc Chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948, Arafat rời trường đại học, và cùng với những người Ả Rập khác, tìm cách vào trong Palestine để gia nhập các lực lượng Ả Rập chống lại quân đội Israel. Tuy nhiên, thay vì tham gia vào lực lượng fedayeen Palestine, Arafat chiến đấu với tổ chức Những người anh em Hồi giáo, dù ông không gia nhập lực lượng này. Ông tham gia chiến đấu tại khu vực Gaza (là chiến trường chính của các lực lượng Ai Cập trong cuộc xung đột). Đầu năm 1949, cuộc chiến chuyển sang có lợi cho Israel, và Arafat quay trở lại Cairo vì thiếu hỗ trợ hậu cần.

Sau khi quay lại trường đại học, Arafat học kỹ sư dân sự và làm chủ tịch Tổng Liên minh Sinh viên Palestine (GUPS) từ năm 1952 tới năm 1956. Trong năm đầu ông làm chủ tịch Tổng liên minh, trường được đổi tên lại thành Đại học Cairo sau một vụ đảo chính do Mặt trận Sĩ quan Tự do tiến hành lật đổ Vua Farouk I. Tới thời điểm ấy, Arafat đã tốt nghiệp cử nhân kỹ sư dân sự và được gọi vào chiến đấu trong các lực lượng Ai Cập trong cuộc Khủng hoảng Suez; tuy nhiên, ông không bao giờ thực sự chiến đấu trên chiến trường. Cuối năm đó, tại một hội nghị ở Praha, ông mặc một bộ đồ keffiyeh toàn trắng –khác biệt so với bộ đồ kẻ ô sau này ông mặc tại Kuwait, đã trở thành biểu tượng của ông.

Tên

Tên đầy đủ ban đầu của Arafat là Mohammed Abdel Rahman Abdel Raouf Arafat al-Qudwa al-Husseini. Mohammed Abdel Rahman là tên thánh; Abdel Raouf là tên của cha và Arafat là tên của ông. Al-Qudwa là tên của bộ tộc của ông và al-Husseini là tên dòng họ mà những thành viên al-Qudwa thuộc vào đó. Cần lưu ý rằng dòng họ của Arafat, al-Husseini sống tại Gaza và không nên bị nhầm lẫn với dòng họ nổi tiếng, nhưng không liên quan al-Husayni của Jerusalem.

Bởi Arafat được nuôi lớn lên tại Cairo, truyền thống bỏ đi thành phần Mohammed hay Ahmad trong tên thánh của một người là thường thấy; những người Ai Cập đáng chú ý như Anwar Sadat và Hosni Mubarak cũng làm như vậy. Tuy nhiên, Arafat bỏ cả các phần Abdel Rahman và Abdel Raouf khỏi tên mình. Đầu những năm 1950, Arafat chấp nhận cái tên Yasser, và trong những năm đầu sự nghiệp du kích của Arafat, ông lấy nom de guerre là Abu Ammar. Cả hai cái tên đều liên quan tới Ammar ibn Yasir, một trong những người bầu bạn đầu tiên của Muhammad. Dù ông đã bỏ hầu hết những cái tên được thừa hưởng, ông giữ lại Arafat vì ý nghĩa của nó trong Hồi giáo.

Sự nổi lên của Fatah

Thành lập Fatah

Sau vụ Khủng hoảng Suez năm 1956, tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser, một lãnh đạo của Phong trào Sĩ quan Tự do, đồng ý cho phép Lực lượng Khẩn cấp Liên hiệp quốc tới đồn trú tại Bán đảo Sinai và Dải Gaza, dẫn tới việc trục xuất toàn bộ lực lượng du kích hay "fedayeen" ra khỏi đó —gồm cả Arafat. Arafat ban đầu đấu tranh để kiếm một visa sang Canada và sau đó là Ả Rập Saudi, nhưng không thành công trong cả hai vụ. Năm 1957, ông xin visa tới Kuwait (ở thời điểm đó là một nhà nước bảo hộ của Anh) và được chấp thuận, dựa trên nghề nghiệp của ông là kỹ sư dân sự. Tại đó ông gặp hai người bạn Palestine: Salah Khalaf (Abu Iyad) và Khalil al-Wazir (Abu Jihad), cả hai đều là các thành viên chính thức của Anh em Hồi giáo Ai Cập. Arafat đã gặp Abu Iyad khi đang theo học tại đại học Cairo và Abu Jihad tại Gaza. Cả hai đều sẽ trở thành những cánh tay đắc lực của Arafat trong sự nghiệp chính trị sau này. Abu Iyad cùng Arafat đi tới Kuwait hồi cuối năm 1960; Abu Jihad, cũng là một giáo viên, đã từng sống ở đó từ năm 1959. Sau khi định cư tại Kuwait, Abu Iyad giúp Arafat kiếm được một công việc tạm thời như một giáo viên.

Khi Arafat bắt đầu phát triển tình bạn với những người tị nạn Palestine khác (một số trong số đó ông đã biết từ ngày còn ở tại Cairo), ông và những người khác dần thành lập một nhóm được gọi là Fatah. Ngày thành lập chính xác của Fatah vẫn còn chưa được biết. Tuy nhiên, vào năm 1959, sự tồn tại của nhóm này đã được chứng minh trong những trang viết của một tạp chí theo chủ nghĩa quốc gia Palestine, Filastununa Nida al-Hayat (Palestine của chúng ta, Lời kêu gọi của cuộc sống), được viết và xuất bản bởi Abu Jihad. FaTaH là một từ đảo cấu tạo từ những từ đầu của cái tên Ả Rập Harakat al-Tahrir al-Watani al-Filastini dịch thành "Phong trào Giải phóng Quốc gia Palestine". Fatah cũng là một từ từng được sử dụng từ đầu thời kỳ Hồi giáo có nghĩa ‘chinh phục’.

Fatah có mục đích giải phóng Palestine bằng một cuộc chiến tranh vũ trang do chính người Palestine tiến hành. Nó khác biệt với những tổ chức chính trị và du kích khác của Palestine, đa số chúng hoàn toàn tin tưởng vào một sự phản kháng của toàn bộ khối Ả Rập thống nhất. Tổ chức của Arafat không bao giờ có những tư tưởng của những chính phủ quốc gia Ả Rập lớn thời kỳ đó, trái ngược với các phe phái Palestine khác, vốn thường trở thành vệ tinh của các quốc gia lớn như Ai Cập, Iraq, Ả Rập Saudi, Syria và các nước khác.

Theo tư tưởng của mình, Arafat nói chung từ chối chấp nhận những khoản viện trợ của các chính phủ Ả Rập lớn dành cho tổ chức của ông, nhằm có được sự độc lập từ họ. Tuy nhiên, ông không muốn xa lánh họ, và tìm cách có được sự hỗ trợ thống nhất của họ bằng cách tránh liên minh với các nhóm trung thành với các lý tưởng khác. Ông làm việc vất vả tại Kuwait, để thành lập cơ sở cho sự hỗ trợ tài chính tương lai của Fatah bằng cách tranh thủ những khoản đóng góp từ những người Palestine giàu có đang làm việc tại đó và tại các Quốc gia Vùng Vịnh khác, như Qatar (nơi ông gặp Mahmoud Abbas năm 1961). Những nhà doanh nghiệp và công nhân dầu khí này đã đóng góp một cách rất hào hiệp cho tổ chức Fatah. Arafat tiếp tục quá trình này tại các quốc gia khác như LibyaSyria.

Năm 1962, Arafat và các đồng sự thân cận nhất của mình nhập cư vào Syria —một quốc gia có chung biên giới với Israel— mới đó đã rút lui khỏi một liên minh sớm chết yếu với Ai Cập của Nasser. Fatah có xấp xỉ 300 thành viên ở thời điểm này, nhưng không ai trong số đó là chiến binh. Tuy nhiên, tại Syria ông đã tìm cách tuyển mộ các thành viên bằng cách đề xuất những mức thu nhập cao hơn để có thể thực hiện những cuộc tấn công vũ trang chống lại Israel. Nhân lực của Fatah còn được gia tăng thêm sau khi Arafat quyết định trao mức lương lớn hơn nữa cho các thành viên của Quân đội Giải phóng Palestine (PLA), lực lượng quân đội chính thức của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), đã được Liên đoàn Ả Rập tạo ra vào mùa hè năm 1964. Ngày 31 tháng 12 cùng năm ấy, một biệt đội thuộc al-Assifa, nhánh vũ trang của Fatah ở thời điểm đó, tìm cách thâm nhập vào Israel, nhưng họ đã bị các lực lượng an ninh của Liban ngăn chặn và bắt giữ. Nhiều cuộc tấn công khác của các chiến binh Fatah được huấn luyện và trang bị kém diễn ra sau vụ việc này. Một số vụ thành công, những vụ khác thất bại. Arafat thường đích thân chỉ huy những cuộc đột kích này.

Arafat và trợ lý hàng đầu của mình Abu Jihad, bị bắt giữ ở Syria khi một lãnh đạo Palestine ủng hộ Syria, Yusuf Orabi bị ám sát. Nhiều giờ trước vụ ám sát, Arafat đã thảo luận với ông các cách thức để thống nhất các phe phái của họ và yêu cầu Orabi hỗ trợ cho Arafat chống lại các đối thủ của ông bên trong ban lãnh đạo Fatah. Một thời gian ngắn sau khi Arafat rời cuộc gặp, Orabi bị ném ra ngoài cửa sổ một căn nhà ba tầng và cảnh sát Syria trung thành với Hafez al-Assad (Assad và Orabi là những "người bạn thân cận"), nghi ngờ Arafat có liên quan tới vụ việc. Assad đã chỉ định một hội đồng, phát hiện Arafat và Abu Jihad có tội trong vụ giết hại. Tuy nhiên, cả hai đã được Tổng thống Syria Salah Jadid ân xá. Tuy nhiên, vụ việc này khiến Assad và Arafat khó chịu với nhau, điều sẽ được thể hiện về sau khi Assad trở thành Tổng thống Syria.

Lãnh đạo người Palestine

Ngày 13 tháng 11 năm 1966, Israel tung ra một cuộc tấn công lớn vào thị trấn as-Samu ở Bờ Tây do Jordan quản lý, để trả đũa một vụ đánh bom bên đường do Fatah tiến hành, làm thiệt mạng ba thành viên của Các lực lượng an ninh Israel ở gần phía nam biên giới Đường Xanh. Trong cuộc chạm trán đó, nhiều thành viên lực lượng an ninh Jordan đã thiệt mạng và 125 ngôi nhà bị san bằng. Vụ việc này là một trong nhiều yếu tố dẫn tới cuộc Chiến tranh Sáu Ngày năm 1967.

Cuộc chiến Sáu Ngày bùng phát khi Israel tung ra một cuộc tấn công không quân phủ đầu vào không quân Ai Cập ngày 5 tháng 6 năm 1967. Cuộc chiến chấm dứt với thất bại của phía Ả Rập và việc Israel chiếm đóng nhiều vùng đất Ả Rập, gồm cả Bờ Tây và Dải Gaza. Dù Nasser và các đồng minh Ả Rập của ông đã bị đánh bại, Arafat và Fatah vẫn có thể tuyên bố một chiến thắng, trong đó đa số người Palestine, những người tới thời điểm ấy đã tìm cách liên kết lại và có giành thiện cảm với các chính phủ Ả Rập, khi ấy bắt đầu đồng ý rằng một giải pháp ‘Palestine’ cho tình thế của họ là tuyệt đối cần thiết. Nhiều đảng chính trị lớn của Palestine, gồm cả Phong trào Chủ nghĩa quốc gia Ả Rập của George Habash, Hội đồng Cao cấp Ả Rập của Hajj Amin al-Husseini, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo và nhiều nhóm được Syria hậu thuẫn, rõ ràng đã tan rã sau khi các chính phủ tài trợ cho họ thất bại. Chỉ một tuần sau thất bại, Arafat đã cải trang vượt Sông Jordan và vào Bờ Tây, nơi ông lập ra những trung tâm tuyển mộ tại Hebron, khu vực Jerusalem và Nablus, và bắt đầu thu hút cả các chiến binh và các nhà ủng hộ tài chính cho lý tưởng của mình.

Cùng lúc ấy, Nasser tiếp xúc với Arafat thông qua Mohammed Heikal (một trong những cố vấn của Nasser) và Arafat được Nasser tuyên bố là ‘lãnh đạo của người Palestine’.[19] Tháng 12, Ahmad Shukeiri từ chức Chủ tịch PLO. Yahya Hammuda thay thế và mới Arafat gia nhập tổ chức. Fatah được trao 33 trong số 105 ghế của Hội đồng Hành pháp PLO trong khi 57 ghế được trao cho các nhóm du kích khác.

Trận Karameh

Trong suốt năm 1968, Fatah và các nhóm vũ trang Palestin khác là mục tiêu của một chiến dịch quân sự lớn của Israel tại làng Karameh của Jordan, nơi Fatah đóng trụ sở —cũng là nơi có các Trại tị nạn Palestine. Tên của thị trấn này là từ tiếng Ả Rập có nghĩa ‘phẩm giá’, vốn đã nâng cao giá trị biểu tượng của mình trong mắt người Ả Rập, đặc biệt sau thất bại của họ năm 1967. Chiến dịch nhằm để trả đũa các vụ tấn công, gồm cả các vụ bắn rocket của Fatah và các chiến binh Palestine khác, bên trong Bờ Tây bị chiếm đóng. Theo Said Aburish, chính phủ Jordan và một số lính biệt kích Fatah đã thông báo với Arafat về những chuẩn bị quân sự quy mô lớn của Israel cho một vụ tấn công vào thị trấn đang được tiến hành, khiến các nhóm fedayeen, như nhóm Mặt trận Nhân dân vì sự Giải phóng Palestine (PFLP) mới được thành lập của George Habash và tổ chức ly khai Mặt trận Dân chủ vì sự Giải phóng Palestine của Nayef Hawatmeh, rút các lực lượng của họ khỏi thị trấn. Dù được một chỉ huy sư đoàn ủng hộ Fatah của Jordan cố vấn nên rút người và trụ sở tới các ngọn đồi gần đó, Arafat đã từ chối, nói, "Chúng tôi muốn thuyết phục thế giới rằng có những người trong thế giới Ả Rập sẽ không rút lui hay bỏ chạy". Aburish viết rằng chính theo các mệnh lệnh của Arafat, Fatah đã ở lại, và rằng Quân đội Jordan đã đồng ý hỗ trợ họ trong cuộc chiến kịch liệt sau đó.

Arafat với các quan chức Fatah trong cuộc gặp công khai đầu tiên với Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser tại Cairo, xấp xỉ tám tháng sau khi Arafat trở thành Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine, 1969

Đêm ngày 21 tháng 3, Quân đội Israel tấn công Karameh với vũ khí hạng nặng, xe bọc thép và các máy bay chiến đấu. Fatah giữ được trận địa của mình, làm sửng sốt quân đội Israel. Khi các lực lượng Israel tăng cường chiến dịch, Quân đội Jordan bắt đầu tham chiến, khiến người Israel phải rút lui để tránh mở rộng cuộc xung đột. Tới cuối trận đánh, gần 150 tay súng của Fatah bị thiệt mạng, cũng như khoảng 20 binh sĩ Jordan và 28 binh sĩ Israel. Dù phía Ả Rập có tỷ lệ thiệt hại lớn hơn, Fatah tự coi mình là bên chiến thắng bởi sự rút lui nhanh chóng của quân đội Israel. Chính Arafat cũng có mặt trên trận địa, nhưng những chi tiết về sự tham gia của ông không rõ ràng. Tuy nhiên, các đồng minh của ông - cũng như tình báo Israel – xác nhận rằng ông đã hối thúc các chiến binh của mình trong suốt trận đánh để giữ vững vị trí và tiếp tục chiến đấu.

Trận đánh đã được tạp chí Time tường thuật chi tiết, và khuôn mặt của Arafat xuất hiện trên trang bìa ấn bản của tạp chí này ngày 13 tháng 12 năm 1968, khiến lần đầu tiên hình ảnh của ông xuất hiện trước thế giới. Giữa môi trường thời hậu chiến, các mô tả về Arafat và Fatah xuất hiện dày đặc nhờ thời điểm mang tính bước ngoặt này, và ông trở thành được coi như một anh hùng dân tộc người đã dám đối đầu với Israel. Với sự ca ngợi trên khắp thế giới Ả Rập, số hỗ trợ tài chính tăng lên nhanh chóng, và vũ khí cùng trang bị của Fatah đã được cải thiện. Con số nhân lực của nhóm tăng lên khi nhiều thanh niên Ả Rập, gồm cả hàng nghìn người không phải người Palestine, gia nhập vào Fatah.

Khi Hội đồng Quốc gia Palestine nhóm họp tại Cairo ngày 3 tháng 2 năm 1969, Yahya Hammuda lùi bước từ chức chủ tịch PLO, và Arafat lên thay thế. Ông trở thành Tổng tư lệnh Các lực lượng Cách mạng Palestine hai năm sau đó, và vào năm 1973, trở thành lãnh đạo phái chính trị của PLO.

[xem tiếp]                                                                                                                              


Tổng số thành viên: 19605
Thành viên mới nhất: Michell Nguyen
Đang trực tuyến: 15
Lượt truy cập: 4365879