Trang chủ -> LỊCH SỬ VIÊT NAM -> VỀ VIỆC NHÀ MẠC TRẢ LẠI ĐẤT CHO NHÀ MINH
 16/06/2015 17:18


VỀ VIỆC NHÀ MẠC TRẢ LẠI ĐẤT CHO NHÀ MINH

                                                                                              Pgs.TS ĐINH KHẮC THUẬN

Việc trả lại đất mà thường được gọi là "việc cắt đất của nhà Mạc cho nhà Minh" từng bị phê phán khá gay gắt và Mạc Đăng Dung được coi là "chủ mưu" trong việc này bị lên án là người "không biết liêm sỉ", là "phản quốc". Theo nguồn sử liệu Việt Nam, Mạc Đăng Dung đã có ít nhất là hai lần "cắt đất" cho nhà Minh. Đó là vào năm 1528, cắt hai châu Quy Thuận và năm 1540 cắt một số động cho sát nhập vào đất Khâm Châu.

Về sự kiện được gọi là cắt đất vào năm 1528, chỉ duy nhất được nêu trong Đại Việt sử kí toàn thư, rằng: "Sợ nhà Minh hỏi tội, Đăng Dung bèn lập mưu cắt đất, dâng nhân dân hai châu Quy Thuận và hai hình người bằng vàng bạc, cùng là châu báu, của lạ, vật lạ... Giải thích về sự kiện này, tác giả của Cương mục nhận thấy: "...Tỉnh Hưng Hoá nước ta hiện có hai châu Quy và Thuận". Ghi chép trên của Toàn thư là hoàn toàn lầm lẫn và sự giải thích của Cương mục lại cũng không rõ ràng. Thực tế, năm 1528 không hề xảy ra sự kiện dâng hai châu Quy Thuận cho nhà Minh. Bởi hai châu này, theo cố GS Đào Duy Anh thì: "... Nhà Tống đã chiếm từ thời nhà Lý nước ta rồi".  Việc nộp đất ở vùng này chỉ diễn ra vào thời Lý, năm 1057 và năm 1073, với hai động Vật Dương và Vật Ác mà thôi.

Thực tế, đất Quy Thuận vốn là đất của nhà Lý đã bị nhập đất vào nhà Tống vào thế kỉ XI, như nhận xét của Hà Phúc Tường, nhà nghiên cứu Trung Quốc khi viết về địa chí phủ Quy Thuận, năm 1848 là "Quy Thuận vốn thuộc An Nam". Vì vậy, sự kiện chép trong Toàn thư về việc Mạc Đăng Dung cắt hai châu Quy Thuận cho nhà Minh là sự nhầm lẫn đáng tiếc.

Về sự kiện năm 1540, hiện còn sự khác biệt về số lượng và tên gọi của các động mà nhà Mạc trả lại cho nhà Minh được ghi trong các tác phẩm sử học khác nhau. Trong bảng 2, ta thấy số động là 4, có chỗ lại ghi là 5, thậm chí là 6; còn tên các động này thì là Kim Lẫm, Tư Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, hoặc Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát và La Phù, hoặc Tư Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương (An Lãng), La Phù. Tại sao có sự khác biệt này? Thực tế số động mà nhà Mạc đã trả lại cho nhà Minh là bao nhiêu?

Những địa danh thuộc Khâm Châu ở sát biên giới Việt Trung, xuất hiện khá sớm trong lịch sử từ những năm đầu Công nguyên, khi Mã Viện dựng cột đồng trụ trên núi Phân Mao, mà ở đó cư dân địa phương được định vị bằng các tên gọi là "động". Để bảo vệ đất biên giới, quân đội dựng doanh trại ở các động này, đặc biệt là ở các vị trí chiến lược quan trọng suốt theo chiều dài biên giới. Số động ngày một đông dân cư và dần dần được liên kết với nhau với mục đích tăng cường khả năng quân sự, nên đã hình thành các "đô". Đô được hình thành trên cơ sở liên kết các động lại với nhau, tương tự hình thức xuất hiện đơn vị hành chính "tổng" sau này.

Vùng biên giới Đông Bắc, vốn có ba "đô" là Như Tích, Thời La và Chiêm Lãng với 7 "động" là Chiêm Lãng, Thời La, Tư Lẫm, Liễu Cát, Cổ Sâm, Kim Lặc và La Phù. Trong đó, các động Tư Lẫm, La Phù, Liễu Cát và Kim Lặc thuộc "đô" Như Tích; còn các động Cổ Sâm, Chiêm Lãng thuộc "đô" Chiêm Lãng; động Thời La cũng là đô Thời La. Mỗi động có người đứng đầu gọi là "động chủ". Trong niên hiệu Chí Nguyên (1285-1314) thuộc vua Thế tổ triều Nguyên, động trưởng động Tư Lẫm là Hoàng Thế Hoa vì có công với triều đình trong việc giữ gìn an ninh biên giới, được ban ấn tín cai quản cả 7 động này. Năm 1368, năm nhà Minh thành lập, hai vị tướng quân là Lưu Vĩnh Trung và Chu Lượng Tổ được phái đến vùng Khâm Châu nhằm củng cố quyền lực của vương triều mới này. Họ đã đổi chức "động chủ" thành chức "động trưởng" và cấp cho ấn tín mới. Trong thời kì này, dân cư ở đây tương đối đông đúc, cụ thể như vào năm 1427, bốn động Tư Lẫm, Cổ Sâm, Kim Lặc và Liễu Cát có 29 thôn với 292 hộ.

Như vậy, từ thời Tống đến thời Minh, xuất hiện ba loại đơn vị hành chính: đô, động và thôn. Mỗi đô gồm từ một đến bốn động, mỗi động có trên dưới 7 thôn, mỗi thôn có chừng 40 hộ. Cả thẩy 3 đô, 7 động trên lệ vào Khâm Châu dưới thời Minh. Nhưng năm 1427, có 4 động thuộc về nhà Lê của Việt Nam. Sách Khâm Châu chí chép: "Năm Tuyên Đức 2 (1427), động trưởng động Tư Lẫm là Hoàng Kim Quảng và động trưởng động Cổ Sâm là Hoàng Khoan, cùng với Hoàng Tử Kiều, Hoàng Kiến kéo theo 4 động với 29 thôn, 292 hộ về An Nam...". Trong số 4 động trên, thì 3 động Tư Lẫm, Kim Lặc và Liễu Cát thuộc về đô Như Tích, còn động Cổ Sâm thuộc đô Chiêm Lãng. Khi theo về với nhà Lê, ba động của đô Như Tích thuộc vào phủ Vạn Ninh, còn động Cổ Sâm thuộc vào phủ Tân Yên của Việt Nam lúc bấy giờ. Các vị động trưởng này đều được nhà Lê phong thưởng chức tước, như động trưởng Hoàng Kim Quảng được phong là Kinh lược sứ Đồng tri. Sau đó vua Minh nhiều lần cho gọi các động trưởng này về, nhưng không thành. Cụ thể là: "Tháng 9 năm Chính Thống thứ 5 (1440), Ngự sử Chu Giám phụng chiếu thư đem theo ba ty Đô, Bố (Bố chánh sứ), Án (Án sát sứ), đến Khâm Châu chiêu dụ phản dân Hoàng Kim Quảng, Hoàng Khoan, Hoàng Tử Kiều và Hoàng Kiến. Nhưng cả bốn người đều không đến trình diện. Cuối cùng Chu Giám phải bỏ về". Nhưng vào năm 1540, khi nhà Minh đe doạ quân sự, con cháu các vị động trưởng này liền bỏ về, như trong lời tâu lên vua Minh, Mao Bá Ôn viết: "Các chức Hành lệnh ở 4 động: Tư Lẫm, Cổ Sâm, Liễu Cát và Kim Lặc của Khâm Châu, nguyên là chức tước của An Nam, lại có chú thêm là chức Tham chánh, Phó sứ. Vậy xin chiếu nguyên ngạch biên vào sổ của Khâm Châu và ưu đãi như hiện nay. Chờ ba năm sau, cấp lương theo cấp bậc". Rõ ràng là nhà Minh đã lấy lại bốn động này trước khi diễn ra sự đầu hàng trên của nhà Mạc. Tình thế hết sức căng thẳng đã buộc Mạc Đăng Dung phải chấp nhận một việc đã rồi, và kết cục ông đã phải giải trình trong biểu đầu hàng của mình rằng: "Thủ thần Khâm châu tâu xưng là 4 động Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm và Liễu Cát của 2 đô Như Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của Khâm Châu. Nếu quả như vậy, thì những đất ấy do triều trước họ Lê mạo nhận mà có. Nay hạ thần xin dâng các xứ ấy lệ vào Khâm châu".

Quả là Mạc Đăng Dung chưa hề cắt đất cho nhà Minh, nhưng ông đã phải bó tay và buộc phải chấp nhận sự kiện các động trưởng của bốn động ở sát biên giới Đông Bắc trở lại với nhà Minh. Với những vùng đất này, nhà Mạc cũng không thể tránh khỏi đối mặt với lời viện cớ có tính tiền lệ có từ thời Tống rằng: "Những đất mà nhà Tống chiếm đóng, thì sẽ trao trả lại cho Giao Chỉ, nhưng những đất mà thủ lĩnh của nó tự theo về thì không thể trả lại được". Tương tự như vậy, làm sao nhà Mạc có thể giữ lại được bốn động trên khi mà các động trưởng đã bỏ về với nhà Minh? Thực tế chỉ có 4 động thuộc 2 đô như vừa trình bày ở trên trả về đất Khâm châu.

Tóm lại, bốn động biên giới đã bị nhà Minh lấy lại, thành chuyện đã rồi đối với nhà Mạc. Mạc Đăng Dung thực sự không hề mắc tội phản quốc, mà trái lại đã góp một phần quan trọng trong việc ổn định tình hình chính trị - xã hội trong nước, cũng như tái lập quan hệ bang giao với nhà Minh. Để có những đánh giá cụ thể hơn về vương triều Mạc, cần thiết phải tìm hiểu thêm về tổ chức chính quyền nhà Mạc, cũng như các hoạt động kinh tế và văn hoá của thời kì lịch sử này.

                           [quay lại]


Tổng số thành viên: 19604
Thành viên mới nhất: Mỹ Duyên
Đang trực tuyến: 8
Lượt truy cập: 4354389